Cái Đòn Bánh Tét và... Ba


Hôm nay từ trường về, con thấy trước cửa phòng một gói bưu phẩm nhỏ. Ngạc nhiên lẫn thích thú, con nhặt lên, mở ra, để rồi ngồi lặng đi… Trong cái hộp nhỏ được bọc bởi vô số lớp giấy là một cái đòn bánh tét be bé, thơm thơm mùi dừa và chuối. Đòn bánh tét làm con cảm động vì sự sẻ chia, quan tâm, và yêu thương của người bạn ở tiểu bang xa; nhưng đồng thời cũng làm con nhớ Ba và gia đình da diết.

Con vẫn nhớ, cứ mỗi năm vào ngày 30 Tết, con phụ Ba Mẹ làm bánh. Bánh làm xong rồi, con dọn dẹp nhà cửa, sân vườn, rồi ngồi cạnh Ba Mẹ bên bếp lửa… chầu rìa, vì trong nồi bánh tét to đùng có cái bánh tét be bé xinh xinh của con.

Năm nào cũng vậy, từ khi con còn bé thơ cho đến khi đã lớn khôn, Ba Mẹ luôn làm cho con một đòn bánh tét bé tí xíu mỗi khi Tết về; và thói quen của con là ngồi “chực” đòn bánh tét của mình. Con sẽ không chịu rời bếp cho đến khi Ba hoặc Mẹ vớt cái bánh của con ra khỏi nồi và “giao tận tay” con, hoặc hứa rằng, “Đi ngủ đi, Ba/Mẹ treo đòn bánh tét này riêng cho con.” Đòn bánh tét bé tẹo đó như là một thông lệ không thể thiếu đối với con mỗi khi Tết về. Dù lớn rồi Ba Mẹ cũng không bao giờ quên dành cho con món quà tuổi thơ đó, và dù lớn rồi, năm nào con cũng chờ đợi đòn bánh tét bé tí tẹo đó…

Con không còn được nhận món quà đó từ khi rời gia đình đi xa, và vĩnh viễn không còn được nhận nó khi Ba bệnh nặng rồi ra đi. Con đã tập quen với những năm tháng không có cái đòn bánh tét bé tí và cũng tập quen với việc không còn Ba, nhưng hôm nay cái đòn bánh tét bé tí tẹo của bạn làm gợi lên trong con bao cảm xúc. Con đã lặng đi, đến nỗi chỉ gởi được ba chữ “Cám ơn bạn” và không nói gì thêm, dù lòng con rất cảm kích.

Thế là chỉ còn một đêm nữa là Tết. Con nhớ mỗi năm cũng khoảng thời gian này gia đình mình nấu bánh Tét, bánh chắc không ngon bằng cái bánh bạn cho, nhưng với con, không có cái bánh nào ngon cho bằng bánh của Ba Mẹ làm. Con nhớ cái cảnh ngồi canh nồi bánh to ngoài trời, gió thổi xào xạc, lành lạnh, tiếng lửa lách tách, bập bùng, thích lắm, mà cũng buồn ngủ lắm… Thỉnh thoảng Ba Mẹ đứng lên chêm thêm nước, hoặc bỏ “củi” vào bếp, còn con thì ngồi đó… chực chờ.

Nửa đêm, sau phút Giao Thừa, cả nhà quây quần trước bàn thờ, cùng đọc kinh để dâng Chúa năm cũ đã qua và Năm Mới đang đến.

Sáng Mồng Một, cả nhà… xí xọn đi Lễ. Con bao giờ cũng được “hộ tống” bởi năm bà chị xinh xắn. Lễ xong rồi, trong khi chờ Ba chúc Tết Cha Xứ về, cả nhà cùng nhau ăn sáng, và Má thì tranh thủ làm thịt vài chú gà hoặc vịt. Lúc Ba vừa còn ngoài đường, cả nhà đã reo hò ầm ĩ. Ba bước chân vào sân, là “cả đám” reo ầm lên mừng Ba. Đầy đủ mọi thành phần trong gia đình rồi, cả gia đình quây quần trước bàn thờ, đọc kinh chung với nhau. Ba đại diện cả nhà dâng lời nguyện lên Chúa. Kết thúc giờ kinh luôn luôn là một bài hát cầu cho Cha Mẹ, và luôn luôn có nước mắt… vì mỗi năm mỗi cảm nhận Ba Mẹ già đi… Sau đó, hai chiếc ghế được khiêng ra, đặt trịnh trọng giữa nhà; Ba Mẹ ngồi vào đó, còn tất cả anh chị em con khoanh tay đứng xung quanh Ba Mẹ. Đây là phút giây linh thiêng nhất và ấn tượng nhất.

Rồi chị Hai đại diện tất cả anh chị em chúc Tết Ba Mẹ, cám ơn Ba Mẹ về những hy sinh vất vả và yêu thương ba Mẹ dành cho anh chị em con trong suốt những năm tháng qua, đặc biệt là trong năm vừa rồi. Chị cũng đại diện anh chị em xin lỗi Ba Mẹ vì những thiếu sót, lỗi lầm, xúc phạm của anh chị em đến Chúa, đến Ba Mẹ, và đến nhau. Đồng thời, hứa với Ba Mẹ trong năm tới sẽ cố gắng sống tốt hơn… Rồi anh chị em xin lỗi nhau. Lúc đó ai cũng khóc. Tết mà năm nào cũng khóc!!!

Hết phần khóc, Ba Mẹ nói vài lời với anh chị em con. Sau đó, lần lượt từng người sẽ đến ôm hôn Ba Mẹ và nói lời chúc Tết đến Ba Mẹ. Ba Mẹ sẽ lì xì cho từng người. Con bao giờ cũng được tiền nhiều hơn các anh chị em khác. Thích lắm!

Kế đó, tất cả anh chị em từ chị Ba trở xuống sẽ quay lại chúc Tết chị Hai, và chị Hai có “bổn phận” lì xì cho hết mấy đứa em của mình. Sau phần chị Hai là chị Ba, chị Tư, chị Năm, anh Sáu, chị Bảy, anh Tám, anh Chín… Ai nhỏ nhất thì được nhiều tiền nhất, vì chẳng phải lì xì cho ai cả! Lúc đó rất hào hứng, vì ôm hôn, chúc mừng, xin lỗi, lì xì… Loạn xà ngầu…

Hết mục lì xì, cả nhà ăn trưa, sau đó… gầy sòng. Bầu Cua Tôm Cá, Lô Tô, Xì Dách, Bài Cào… gì cũng có mặt con. Năm nào con không về được thì chị Năm viết thư bảo rằng, “Không có Út, biết chơi với ai đây!” Hihiii…

Buổi chiều mát mẻ, mấy chị em cùng nhau đi chúc Tết bà con làng xóm trong làng. Con ghét nhất là lúc nào đi chúc Tết cũng bị các anh chị bắt múa.

Thời gian qua đi, anh chị em con không còn cùng nhau đi chúc Tết bà con làng xóm như trước đây nữa; tuy vậy, truyền thống chúc Tết của gia đình mình không bao giờ thay đổi. Đêm 30 Tết thường chỉ có mình con và mấy anh ở với Ba Mẹ. Sáng Mồng Một Tết đi Lễ về, chờ Ba chúc Tết Cha Xứ về, và chờ các anh chị từ những nơi khác về đầy đủ, gia đình mới chúc Tết nhau. Bấy giờ, thay vì reo hò Ba thì con và tụi nhỏ reo mừng khi thấy anh chị ở xa về. Thường thì đến 12 giờ trưa hoặc 1 giờ chiều mới chúc Tết được.

Rồi đọc kinh, rồi hát “Xin chúa í a chúc lành cho đời Cha Mẹ của con…,” rồi khóc, rồi mừng tuổi, rồi xin lỗi, rồi hứa hẹn, rồi khóc, rồi lì xì, rồi ăn uống, rồi gầy sòng… Năm nào cũng thế… nhưng về sau thì con cũng phải lì xì mấy đứa cháu… Cũng hên là cháu không có nhiều; và hên là Ba Mẹ và các anh chị luôn luôn lì xì cho con nhiều hơn những người khác, nên không đến nổi… túng quẩn lắm. Hihiii…

Sau này, anh chị em con còn… cập nhập cách thức chúc Tết mới. Đầu tiên là chị Hai – đại diện cả nhà chúc Tết Ba Má, sau đó là đại diện của con trai, đại diện con gái, đại diện người lập gia đình, đại diện người độc thân, đại diện người ở xa, đại diện người ở gần, đaị diện cháu Nội, đaị diện cháu Ngoại… Ai cũng có cơ hội để chúc Tết. Có người còn được chúc Tết đến hai, ba lần.

Năm Ba bệnh, giờ chúc Tết toàn nước mắt, nhưng nước mắt của giờ phút đó khác với nước mắt của những năm xưa… Cám ơn Chúa vì Ba Mẹ rất vững vàng, mạnh mẽ, đầy lòng phó thác, và cậy trông… Ba mất, con chưa một lần ăn Tết cùng gia đình. Thật sự, con chưa đủ can đảm để đối diện với cái cảnh Ngày Đầu Năm không có Ba, với hai chiếc ghế giữa nhà giờ chỉ còn một… Có lẽ “nghi thức” chúc Tết trong gia đình sẽ thấm đẫm nước mắt hơn… bởi thiếu vắng Ba, và cũng bởi chúng con hiểu rõ “mỗi mùa Xuân sang ngày con xa Mẹ càng gần.” Biết ngày xa Mẹ càng gần mà nào “Ai níu nổi thời gian? Ai níu nổi? Giọt nước mắt kia bao lâu nữa của mình?” Con ra đi ngay sau khi Ba ra đi, vì bổn phận mà cũng như một cuộc trốn chạy, bởi con thấy mừng vi không phải chứng kiến ngày đầu năm của những năm đầu không có Ba. Có lẽ Chúa biết rằng con quá yếu đuối…

Xin Chúa là Mùa Xuân Vĩnh Cửu ở lại trong gia đình mỗi người chúng con. Xin Chúa chúc lành cho tất cả chúng con, đặc biệt các Ông Bà, Cha Mẹ. Xin cho mỗi chúng con vui hưởng những cái Tết ấm áp bên Chúa và người thân, biết hiếu kính và hết tình vì Mẹ Cha, để một mai chúng con không phải hối hận đau lòng…

A. Ngọc Hạnh, LCSP
17/1/2013

Đăng nhận xét

[facebook][blogger]

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.