Châm Ngôn Sống


Trong chúng ra chắc hẳn có nhiều người thích sưu tập những lời hay ý đẹp, những câu danh ngôn nổi tiếng để suy gẫm. Riêng bản thân mình, chẳng cần là danh ngôn, mình cũng rất thích sưu tập. Thật vậy, trong suốt thời sinh viên, có nhiều bài giảng của thầy cô mình nay học mai quên, có nhiều chuyện xảy ra mình chẳng bao giờ nhớ. Nhưng không hiểu sao có những câu nói, đôi khi chỉ hết sức bình thường nhưng lại làm mình nhớ rất lâu, coi đó như “châm ngôn cuộc sống” của riêng mình và luôn đem ra áp dụng khi có thể. Và rồi những câu châm ngôn đó đã làm thay đổi cả con người và cuộc sống của mình.

Hôm nay nhân dịp… muốn viết cho Thiên Ân, mà lại nghĩ mãi chẳng biết viết gì, nên mình sẽ đem những câu “châm ngôn cuộc sống” đó ra chia sẻ với mọi người vậy. Đây sẽ chỉ giống như bài văn tường thuật những điều mình đã trải qua thôi ^^

Châm ngôn số 1: “Là một quản trò, phải biết mình nên đứng ở đâu” – Anh Nhiên.

Lúc này mình đang là cô sinh viên năm nhất ngơ ngác và rụt rè đi tham gia dã ngoại đầu năm với Thiên Ân. Khi đội mình đến trạm của anh Nhiên, anh rất là hiền, chỉ hành hạ “vài đường cơ bản” thôi rồi yêu cầu mọi người sinh hoạt vòng tròn. Sau khi quan sát quản trò của đội cho sinh hoạt xong, anh điềm đạm bước ra và bắt đầu bài giảng của mình: “Làm quản trò phải chú ý vị trí của mình khi đứng giữa vòng tròn… phải biết mình nên đứng ở đâu. Nên đứng vào một góc của vòng tròn khi mình muốn thông báo hoặc giải thích trò chơi, để mọi người đều có thể nhìn thấy “mặt tiền” của mình. Nên đứng ở giữa vòng tròn khi trò chơi đã bắt đầu để điều khiển trò chơi. Và trong một số trò chơi, mình nên đứng nhập vào vòng tròn,…”.

Chỉ đơn giản là như thế thôi đấy. Thật sự hồi đó mình chưa bao giờ có ý tưởng mình sẽ làm một quản trò, nhưng không hiểu là vì cái phong cách điềm đạm, đầy vẻ uyên bác của anh đã thu hút mình, hay vì một lý do nào khác mà cứ làm mình nhớ rõ và khắc ghi trong đầu cái mớ lý thuyết về quản trò và câu nói ấy: “Phải biết mình nên đứng ở đâu”.

Không ngờ sau này mình lại làm quản trò cho Thiên Ân thật. Thế là trong thời gian đó, bài giảng của anh được mình đem ra áp dụng mỗi khi đứng giữa vòng tròn.

Và không chỉ khi sinh hoạt với Thiên Ân, mà trong nhiều hoàn cảnh khác trong cuộc sống mình cũng vẫn áp dụng câu châm ngôn đó. Đi tới đâu mình cũng luôn chú ý để chọn cho mình một vị trí đứng thích hợp: lúc đứng báo cáo trước lớp, lúc diễn trên sân khấu, lúc đi ăn tiệc,… Cũng có lúc mình lỡ quên, đứng vào những chỗ không nên đứng thì lại bị rơi vào tình huống dở khóc dở cười ^^

Châm ngôn số 2: “Anh biết là em làm được” – Sư phụ Vĩnh

Lúc này mình đang là cô sinh viên năm hai, vẫn còn rất nhút nhát và dè dặt. Thế mà một ngày đẹp trời nọ anh Vĩnh đùng đùng dụ dỗ lôi kéo mình vào làm ban sinh hoạt cho Thiên Ân. Mình nhất quyết từ chối, vì rõ ràng mình không tìm thấy ở mình tố chất nào để làm cái nhiệm vụ đòi hỏi năng khiếu và duyên ăn nói ấy. Chẳng hiểu anh Vĩnh nhìn thấy cái gì ở mình, mà cứ khẳng định chắc nịch “Anh biết là em sẽ làm được”.

Thế rồi vì muốn thử thách chính bản thân, mình đã quyết định nhận cái chức ấy trong sự lo lắng và nghi ngờ. Để rồi phải trải qua bao nhiêu áp lực và nỗi buồn, đổ ra bao nhiêu mồ hôi và nước mắt. Nhưng mình vẫn bám trụ đến khi kết thúc nhiệm kì, hoàn thành nhiệm vụ. Mình đã nhận được câu trả lời cho chính bản thân: Mình có thể làm được, mặc dù không tốt lắm, nhưng cũng là đã làm được ^^. Hơn thế nữa mình còn nhận được món quà vô giá: được mọi người yêu thương và được thay đổi hoàn toàn con người. Nhiều lúc nghĩ lại, mình thấy ngày đó mình đã chọn một quyết định thật sáng suốt. Nếu hồi đó không nhận lời làm quản trò, không được đẩy ra giữa vòng tròn và bắt buộc phải hoạt bát vui tươi hơn, nói nhiều hơn trước đám đông, thì có lẽ bây giờ mình mãi là con bé vụng về, nói năng lắp bắp chẳng ra đầu ra đuôi, và chẳng ai thèm chú ý tới. Nhờ thời gian rèn luyện làm quản trò đó mà mình trở nên mạnh dạn hơn. Từ đó những việc như thuyết trình trước lớp, hoặc đứng trên sân khấu biểu diễn không còn là áp lực đối với mình nữa.

Và cũng từ đó mình gọi anh Vĩnh là sư phụ. Sự phụ không những đã đào tạo mình trở thành một quản trò, mà còn góp phần “cải tạo” cả tính cách của mình. ^^

Mình đã may mắn như thế đấy, may mắn vì khi mình không thể nhìn thấy khả năng của chính bản thân, nhưng lại có sư phụ nhìn thấy và khai quật nó ra giúp mình, rồi thúc bách mình phải làm. Sau này, mình vẫn thường xuyên ở trong tình huống phải quyết định: làm hay không làm? Vì cơ hội tốt đã đến, nhưng sẽ rất khó khăn để chinh phục. Những lúc đó tuy không có ai bên cạnh thúc đẩy, nhưng vẫn còn đó trong tâm trí câu nói của sư phụ nhắc nhở mình: Mình làm được đấy! Cứ hãy làm đi! Đừng từ chối cơ hội của chính mình! Nếu để cơ hội đi qua nó sẽ chẳng trở lại đâu, nên hãy mạnh dạn nắm lấy nhé! Thế là mình có động lực để “dám nghĩ dám làm”. Kể cả động lực cho việc mình đánh liều xin cái học bổng để “xuất khẩu” đi du học, cũng một phần từ đó mà ra ^^

Châm ngôn số 3: “90% các hợp đồng được kí trên bàn nhậu” – Chị Ngoan

Lúc này mình sắp trở thành cô sinh viên năm ba. Câu này mình nghe chị Ngoan phát biểu hùng hồn trong buổi tổng kết cuối năm của Thiên Ân. Chuyện là thế này, cách đây vài năm, nghe nói Thiên Ân đã từng được một số nhóm khác gọi là “dòng tu Thiên Ân” vì cái sự thánh thiện quá mức và thiếu thốn các hoạt động ăn chơi. Thế là để thúc đẩy phong trào giao lưu ăn chơi trong nhóm, để Thiên Ân trở nên sôi nổi và thân thiết hơn, chị Ngoan đã làm một bài phát biểu hùng hồn. Chị nhấn mạnh rằng các cuộc ăn chơi cũng là một yếu tố để hâm nóng sự đoàn kết, giúp các thành viên trong nhóm có cơ hội hiểu nhau và xích lại gần nhau hơn.

Và thật sự, bài phát biểu và câu châm ngôn lần ấy đã tạo nên ảnh hưởng đến Thiên Ân trong học kì tiếp theo. Tinh thần “tăng gia ăn chơi” được quán triệt và tích cực thực hiện. Ngoài những buổi sinh hoạt hàng tuần ở nhà thờ, những cuộc ăn-chơi-lành–mạnh cũng được phát động thường xuyên. Lâu lâu lại có một lần ai đó sẽ hú hí: Ốc đê!, Thịt chó đê! Làm trận banh đê! Phượt đê!,… Và số thành viên hưởng ứng tham gia cũng không ít. Thế là những năm gần đây, tình hình đã được cải thiện đáng kể, Thiên Ân đã lột xác, không còn là một “dòng tu” nữa mà đã trở thành… ( trở thành gì thôi để tự mọi người nhận xét nhé, hihi ^^)

Ảnh hưởng của câu châm ngôn còn vươn đến phạm vi “sâu” hơn, đó là ảnh hưởng đến ban đại diện năm đó. Thời gian đầu mới làm việc với nhau, nội bộ 5 đứa thật sự không ổn, vì có những điểm bất đồng khó hòa hợp, những khúc mắc khó giải bày… mà chỉ gặp nhau mỗi tuần vài tiếng khi đi họp thì không thể giải quyết được hết. Từ đó sự hiểu lầm tăng thêm, mâu thuẫn lớn dần, nó đẩy khoảng cách giữa 5 đứa vốn đã xa lại ngày càng xa, đến mức có lúc cảm thấy khó chịu và ngột ngạt khi phải gặp nhau. Tình hình thật sự lâm vào khủng hoảng, vì 5 đứa là những con người đại diện cho Thiên Ân, mà nội bộ lại đầy bất ổn như thế, thì liệu Thiên Ân có thể ổn không? Rất may, chúng mình cũng đã kịp thời áp dụng biện pháp “tăng cường ăn chơi và cởi mở” để cải thiện tình hình. Đó là những bữa phải kéo bằng được đủ 5 đứa ra quán thịt chó, hoặc vào quán Yoyo, hay những bữa họp dài hơi đến tận sáng ngoài xa lộ tình yêu, cả những bữa ăn dầm nằm dề ở nhà anh em Du Căn để mà trút bầu tâm sự, để kể lể, để trách móc, để giãi bày, để cùng khóc, cùng cười với nhau, cùng nắm tay nhau cầu nguyện… Mỗi lần đi họp và đi ăn chơi lại giúp đứa này hiểu đứa kia thêm một chút, thông cảm cho nhau thêm một chút, xích lại gần nhau một chút và yêu thương nhau nhiều hơn. Mối liên hệ giữa 5 đứa đã dần được thắt chặt. Ví như từ 5 ngôi sao ở 5 góc trời xa cách, đã nỗ lực xích lại gần nhau từng chút một, để thành một ngôi thôi – một “5 cánh” bền vững, cùng sát cánh bên nhau hoàn thành mọi nhiệm vụ cho đến cuối nhiệm kì.

Xét đến phạm vi sâu hơn nữa, câu châm ngôn đó cũng ảnh hưởng đến riêng bản thân mình. Đã có một thời mình cũng lười đi ăn chơi lắm, nhất là ngại đi chơi với những người chưa thân thiết. Vì mình nghĩ như thế tốn thời gian và tốn tiền, ở nhà làm những việc khác chẳng phải có ích hơn sao? Nhưng sau khi “quán triệt” tinh thần của câu châm ngôn, mình nghĩ thoáng hơn và tích cực tham gia vào những cuộc ăn chơi lành mạnh, cả trong Thiên Ân lẫn những tập thể khác ngoài xã hội. Kết quả là mình đã nhận được nhiều lợi ích bất ngờ mà những cuộc ăn chơi đem lại.

Ngay cả khi đặt chân sang xứ người, mình cũng vẫn áp dụng châm ngôn đó. Xin phép được đem một góc trong cuộc sống xa nhà của mình để chia sẻ với mọi người nhé ^^

Mới sang không được bao lâu, nhiều thứ còn lạ lẫm, cũng chẳng có nhiều bạn bè, nhưng nếu có bạn nào rủ đi ăn chơi là mình hào hứng lắm. Mình nghĩ rằng mình biết cách để nhận ra cuộc ăn chơi nào nên tham gia, cuộc nào nên từ chối. Thú thật là có lúc mình phải cầu nguyện với Chúa để quyết định xem có nên tham gia cuộc ăn chơi nào đó hay không đấy ^^ Bởi mình vẫn còn e ngại nhiều thứ… nhưng mình cũng tin rằng có Chúa soi sáng và gìn giữ mình, thế nên cứ có điều kiện là mình tham gia tuốt. Có những cuộc ăn chơi rất thú vị, cũng có những cuộc nhậu nhẹt tới khuya làm mất sức và mất thời gian thật, nhưng những mặt lợi mà mình nhận được từ đó cũng không ít. Mình đã lưu được chút dấu ấn trong mắt bạn bè xứ Đài, vì trong một cuộc nhậu mình đã hát cho mấy bạn ấy nghe, và và chỉ cho mấy bạn cách cụng li của người Việt. Cô giáo và bạn bè cùng lớp gọi mình là “ bạn Ocean Ding - tính cách cởi mở như đại dương”. Thế là có thông tin gì các bạn ý không quên cho mình biết, có hoạt động gì các bạn không ngại rủ mình tham gia, nhất là có khó khăn trong học tập các bạn cũng rất nhiệt tình giúp đỡ mình. Mình biết để có được những điều tốt đẹp đó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố nữa, nhưng cũng không thể phủ nhận vai trò của yếu tố “ăn chơi”, nó đã giúp mình xích lại gần bạn bè hơn và không trở nên lạc lõng ở cái nơi xa lạ này.
Chỉ một câu nói về cái việc ăn chơi mà đã giúp mình được nhiều như thế đấy. Thế nên mình không bao giờ coi thường việc ăn chơi, và sẽ tiếp tục tích cực ăn chơi không ngại ngần ^^.

Và còn nhiều nữa những câu nói mình đã sưu tập được từ Thiên Ân, từ những bậc tiền bối, từ bạn bè, hay thậm chí từ một đứa con nít. Những câu nói đơn giản nhưng lại mang đến những điều không hề đơn giản. Những câu nói làm mình nhớ hoài và dần dần hình thành nên quan niệm sống của mình, giúp mình nhận ra rằng: mình có thể học hỏi những thứ tốt đẹp từ bất kì ai. Hãy luôn biết lắng nghe, thấu hiểu và thực hành khi có thể.

Còn mọi người thì sao, mọi người cũng có những câu nói tâm đắc của riêng mình chứ?
Hải Dương
11/4/2013

Đăng nhận xét

[facebook][blogger]

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.