Chút tâm tình sau buổi đi trại phong Bến Sắn


CÓ NHỮNG CON NGƯỜI NHƯ THẾ…

(Thương tặng trại phong Bến Sắn, và những con người ở đây. Cám ơn thầy Ngụ, cám ơn các thầy, các Soeur, các bệnh nhân trong khu trại phong Bến Sắn vì đã cho chúng con một ngày Noel thật sự ý nghĩa trong tình yêu của Chúa hài đồng…)

Hành trình về trại phong Bến Sắn bắt đầu lúc 9h hơn sáng 24/12, cả nhà tập trung tại kí túc xá, sau đó di chuyển về phía cổng cũ để cầu nguyện trước chuyến đi. 10h, cả gia đình cùng nhau lên xe và di chuyển về Bình Dương. Ai ai cũng ra đi với tinh thần hăm hở, ca hát rộn rã dọc suốt cuộc hành trình. 11h hơn thì tới nơi, cả nhà cùng nhau đi chào hỏi các Soeur, nghe các Soeur nhiệt tình hướng dẫn (Sr còn hào phóng cho gia đình chúng con bánh kẹo nữa. ^^ Cám ơn Soeur! ).

Sau khi cùng nhau dùng cơm trưa và nghỉ ngơi, gần 1h30, hành trình yêu thương của cả nhà mới thật sự bắt đầu. Mọi người cùng nhau đi thăm các nhà độc thân, các bệnh nhân phong, ca hát với họ, trò chuyện với họ. Có lẽ ai cũng thấy lòng ấm lên trong những giây phút này, khi thấy nụ cười nở trên môi họ, niềm vui ánh lên trong mắt họ…

Đây không phải là lần đầu tiên mình tham gia công tác xã hội cùng Thiên Ân, nhưng có lẽ đây là chuyến đi để lại cho mình nhiều ấn tượng nhất.

Mình nhớ mãi câu nói của một bác gái khi trò chuyện với mình: “Tụi con thấy người cùi tụi con có sợ không?” Đó là lần thứ hai trong chiều hôm đó mình được hỏi câu này. Nghe câu này mà mình thấy xót xa vô cùng. Phải chăng đó là nỗi khổ của bác? Phải chăng đó chính là nỗi trăn trở của bác, và của những con người ở đây, khi trò chuyện với mọi người? Mặc cảm bị người ta xa lánh và ghê sợ. Bác ơi, bác yên tâm đi nhé! Nếu sợ thì làm sao tụi con lại dám bắt tay, dám trò chuyện thân mật với các bác. Trên đời này còn nhiều người yêu thương những con người kém may mắn như các bác lắm. Mong các bác luôn sống vui vẻ, và đừng mặc càm vì sự kém may mằn của mình nữa. Nói thật là trước đây con cũng dè chừng lắm. Nhưng từ khi được các Sr, thầy dặn dò, trấn an,…con đã không còn sợ hãi gì nữa cả.

Hình ảnh thứ hai mà mình không thể quên là hình ảnh của bà cụ Tư lúc dự lễ trong nhà thờ. Mình thấy bà ngồi ở hàng ghế thứ 2 hay 3 gì đó. Hình như là thứ 2 thì phải. Bà cụ Tư 85 tuổi. Hồi chiều có trò chuyện với bà nên khi vào lễ mình nhận ra bà ngay. Điều làm mình ấn tượng và rất có cảm tình với bà là đầu giường bà có hình Đức Mẹ và Chúa Jesus, bà rất đạo đức nữa, lúc mình trò chuyện với bà bà luôn nhắc nhở tụi mình phải siêng đọc kinh cầu nguyện. Bà phải đi lại bằng xe lăn. Mình không biết ai đã giúp bà di chuyển từ trên lầu xuống tầng trệt đi lễ, nhưng việc một bà cụ 85 tuổi cầm cây nạng còn không vững chịu khó xuống nhà thờ đi lễ khiến mình cảm phục lắm. Bà không đi xe lăn vào nhà thờ mà để xe lăn ở ngoài rồi đi nạng vào. Tội nghiệp bà quá, chắc bà cũng phải vất vả lắm mới có thể đi được từ cửa nhà thờ tới hàng ghế của mình với cây nạng gãy và bàn chân đứng không vững đó. Suốt giờ lễ mình ngồi sau bà, thấy xót xa khi bàn tay chẳng còn ngón nào của bà cứ cố giữ cho cây nạng khỏi rớt. Khi giúp bà đứng dậy ra khỏi nhà thờ sau giờ lễ, mình phát hiện ra chiếc nạng khá cũ kỹ của bà đã gãy mất phấn thanh ngang phía trên. Và bàn tay của bà – bàn tay không còn ngón nào, phải khó khăn lắm mới tra vào cái thanh cầm của nạng được. Để rồi không lâu sau đó, nó lại trật ra…Bà hay cười lắm: mình giúp bà tra tay vào nạng – bà cười, rồi nó trật ra – bà cũng cười, ôm gói quà Noel (bọc bánh kẹo) trong tay – bà cười – nụ cười của những hạnh phúc giản đơn. Những nụ cười như vậy, không hiểu sao, luôn làm mình cảm thấy có chút gì đó bùi ngùi…

Mình cũng không thể quên cô Tú Lệ ở nhà độc thân. Khi mình thắc mắc là tại sao trưa giờ cô cứ làm việc miết, không một giờ nghỉ trưa, bà cụ chung phòng mới nói: “Nó mần liền tay à, nó làm giúp công việc cho người này người kia miết. Không có thời gian nghỉ đâu!” Rồi mình ngồi nói chuyện với họ một lát, nghe cô Tú Lệ bàn chuyện đi chợ, nuôi gà…vài bữa kiếm ít thịt mần lễ. Những câu chuyện dung dị, bình thường của cuộc sống. Nghe mà thấy thương gì đâu. Tự nhiên mình có cảm giác nơi này như một xóm nhỏ ở những vùng quê yên bình, nơi tình làng nghĩa xóm rất keo sơn gắn bó,nơi mọi người sống với nhau thân thiết, chan hòa. Những con người như vậy, họ sống nương vào nhau, cùng giúp nhau vượt qua những nghiệt ngã cuộc đời, người khỏe hơn giúp người yếu hơn. Cô Tú Lệ đi chợ, nấu ăn, và cùng trò chuyện với bà cụ trong phòng – bà cụ-vừa-được-bệnh-viện trả về, rất yếu, và chẳng thiết tha bất cứ điều gì nữa...
Làm việc suốt ngày, mà chủ yếu toàn là việc làm giúp người khác, chứ phần mình chẳng có bao nhiêu, nhưng cô trò chuyện rất vui vẻ và cởi mở, những nụ cười luôn nở trên môi cô: nụ cười của tinh thần phục vụ, cho đi…

Và còn rất nhiều, rất nhiều diếu đáng nhớ ở đây nữa, những em thiếu nhi dễ thương, sự tận tâm của các Soeur, sự chu đáo của những cô chú giúp gia đình mình có những bữa cơm ngon lành, tinh thần hăm hở và nhiệt tình của nhiều bệnh nhân lúc nhóm tới sinh hoạt,... Sự gắn bó của thầy Ngụ với mọi người ở đây cũng khiến mình nể phục lắm. Nhớ có một cô đã hỏi mình lúc chưa gặp dược thầy Ngụ: “Thầy Ngụ đâu? Sao không thấy thầy Ngụ”… Tât cả đã tạo nên những kỉ niệm thật đẹp và ý nghĩa cho ngày Noel của gia đình mình
Sau khi cảm ơn Cha và các Sr., rồi cùng nhau chụp hình kỉ niệm tại hang đá nhà thờ. Hơn 9h, cả nhóm lên xe về Minh Đức, kết thúc chuyến hành trình này, để bắt đầu cho một chuyến hành trình khác cũng không kém phần hứng khởi.
Xe lăn bánh, mình miên man nghĩ về những thứ đã qua, và câu nói của Cha chủ tế lúc sắp kết lễ vọng mãi trong mình: “Đêm nay là một đêm rất đẹp, không phải vì vẻ đẹp bên ngoài, mà vì tình cảm của con người giành cho nhau”. Ừ, có lẽ…
Pudding
27/12/2012

Đăng nhận xét

[facebook][blogger]

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.