Dù đã lớn nhưng không hiểu sao mình luôn thấy nôn nao mỗi khu gần đến tết, có lẽ bởi vì với mình, tết là khoảng thời gian vui vẻ, bình yên và hạnh phúc bên gia đình, bạn bè. Năm nào cũng thế, khoảng 23-24 tháng chạp là gia đình mình đã tụ tập đông đủ, không khí gia đình vui hẳn lên so với ngày thường thiếu đứa này, thiếu đứa kia. Việc đầu tiên chị em mình phải làm để chuẩn bị cho tết là dọn dẹp nhà cửa, dù nhà mình chỉ là căn nhà nhỏ đơn sơ nhưng cũng phải mất hai, ba ngày mới dọn dẹp xong, nào là cắt hàng rào, dọn cỏ xung quanh nhà, nào là quét mạng nhện, lau chùi bụi bặm, nào giặt giũ chăn màn, xắp xếp lại đồ đạc trong nhà để nhìn cho có cảm giác mới hơn một chút. Trong những ngày này thì mẹ mình cũng tất bật với việc may vá, chuẩn bị tỉa hoa, tỉa củ làm củ kiệu, dưa món (cái này thì chỉ có chị phụ mẹ được còn mình thì toàn chờ mẹ làm xong là bốc vụng). Đến ngày 28 tháng chạp thì mình có một nhiệm vụ quan trọng đó là cắt, rửa và phân loại lá “dong” (một loại lá mọc thành bụi có củ) để sáng mai gói bánh, nhà mình có một bụi lá dong khá lớn nên không phải đi mua lá và nhờ năm nào cũng cắt lá dong nên mình đã chế ra được một loại kèn thổi bằng cọng lá dong tiếng kêu nghe è è cứ như nghẹt mũi ấy. Sáng 29 là ngày gói bánh chưng, ba mẹ mình luôn dậy rất sớm để gói cho kịp, mọi thứ nguyên liệu như gạo nếp, thịt, đậu xanh đều đã sằn sàng vì mẹ đã chuẩn bị từ tối hôm qua. Về khoản gói bánh thì nhà mình phân công rất cụ thể, mẹ mình có nhiệm vụ xếp lá, chuẩn bị khuôn, xếp lá cũng không phải dễ đâu nha các bạn, phải biết cách xếp thì lá mới khít và vuông vức. Ba mình thì có nhiệm vụ cho gạo, đậu, thịt vào nén và gói lại, buộc lạt thành cái bánh hoàn chỉnh, khâu này cũng quan trọng, gói phải chắc tay nén đủ chặt để bánh không bị rã khi cắt. Chị và thằng em mình thì phụ mẹ cắt và xếp lá, còn mình thì...ngồi nhìn đợi sai vặt, lâu lâu ăn vụng đậu xanh hihi.
Và tới ngày 30, ngày mà mình mong chờ nhất trong mỗi dịp tết, đó là ngày ăn tất niên truyền thống của đại gia đình mình từ mấy chục năm nay. Ngày này tất cả con cháu đi học, đi làm ở xa đều phải thu xếp để về không thì sẽ bị nội mắng. Mình luôn bắt đầu ngày này bằng việc nhâm nhi miếng bánh chưng nóng hổi (nghĩa bóng) với một ít dưa món mà tối qua ba thức khuya để vớt ra và ngồi nhìn ba chà rửa cái nồi khổng lồ nấu bánh chưng, đó là công việc yêu thích của ba sáng 30 đó không đứa nào giành được đâu! Sau khi no nê là chị em mình chạy qua nhà nội liền để phụ giúp các cô chú nấu nướng, ai cũng tất bật để đến trưa có một bữa ăn thật ngon cho cả nhà. Nội mình cũng tất bật không kém với công việc phân xử mấy đứa cháu nhỏ gây lộn ra méc nội, hoặc là đòi ăn đòi bế. Nhìn mười mấy đứa nhóc cả em cả cháu của mình chạy khắp nhà, la hét, khóc lóc ầm ĩ do oánh lộn, giành đồ chơi, phá phách và do bị người lớn chọc gẹo vừa khiếp vừa vui, tết mà không có tụi này thì buồn phết. Mình luôn là thành viên “người lớn” tích cực đi chọc ghẹo tụi nó cho sôm tụ nhà cửa hi. Tới trưa khi tất cả con cháu đã tập trung đông đủ là bữa ăn bắt đầu. Món không thể thiếu của đại gia đình mình trong buổi tất niên này luôn là thịt chó, dù đông người nhưng chúng mình luôn ngồi quây quần thành một vòng tròn cùng ăn với nhau cho ấm cúng chứ không ngồi thành bàn, bữa ăn diễn ra thật vui vẻ, tiếng cụng ly dô dô của phe đàn ông, tiếng bàn tán chuyện nhà cửa, mua sắm của của phe phụ nữ và tiếng la hét, giành ăn của phe con nít hòa nên không khí rộn ràng, vui tươi hạnh phúc lạ lùng. À quên, trước khi ăn thì nội làm dấu chứ nhỉ, xém nữa thì quên.
Sáng mùng một tết, sau khi đi lễ đầu năm, hái lộc thánh về, gia đình mình cùng quây quần đọc mấy câu kinh, thằng út đại diện chúc tết ba mẹ, ba me lì xì và dặn dò dạy bảo chị em mình rồi cả nhà cùng qua nhà nội làm nghi thức truyền thống. Nghi thức đầu ở nhà nôi là... ăn sáng, nhà mình có một món ăn mà mình nghĩ chỉ có đại gia đình chúng mình ăn vào ngày này đó là “cơm”, nội đã nấu từ sớm một nồi cơm to cùng thịt gà kho, rau xào và dưa chua (hình như không năm nào đổi món hay sao) để cho con cháu lên ăn sáng và không ai bỏ qua món này từ lớn đến nhỏ. Ba mình thì không mùng một nào mà không bưng chén cơm và tấm tắc khen: “Sáng mùng một tết ăn cơm là nhất”. Nghi thức thứ hai là...đọc kinh, buổi đọc kinh đầu năm của đại gia đình mình diễn ra thật nghiêm trang, trừ những tên con nít thích chơi trội đang đọc kinh thì đòi mẹ cho bú hay đòi đi tiểu là không nghiêm trang cho lắm thôi. Đọc kinh xong là tất cả con cháu quây quần quanh nội rồi từng đứa con nít bị túm ra biểu diễn một tiết mục văn nghệ bỏ túi cho nội xem, bé thì hát, bé thì đàn, bé thì hồn nhiên biểu diễn tiết mục “khóc nhè” vì sợ quá khiến cả nhà được tràng cười no nê. Hầu như năm nào tới giây phút này nội cũng khóc, nội khóc vì vẫn còn sống để nhìn con cháu hiếu thuận, đoàn viên trong ngày đầu năm mới, và năm nào nội cũng dặn dò đám cháu lớn tụi mình là: “Mau mau lấy vợ lấy chồng đi kẻo không còn bà đâu đó!”. Những ngày tết tiếp theo của tôi cũng trôi qua một cách thật bình yên và thú vị bên gia đình và bạn bè.
Vậy đó, với mình chỉ cần có vậy là được một cái tết hạnh phúc. Mình có thể không đi du xuân, không ngắm pháo hoa, không cần nhiều quần áo mới nhưng không thể thiếu ngày 29 gói bánh chưng (dù mình chỉ được ngồi chờ sai vặt), không thể thiếu bữa cơm ngày 30 với tiếng con nít ì xèo, với câu chuyện đời của các chú các bác bên ly rượu, và nhất là không thể thiếu bát cơm giản dị sáng mùng một cùng những giọt nước mắt vui mừng của nội khi còn được thấy con thấy cháu. Với mình, tết chính là GIA ĐÌNH.
Ps: Ai có kỉ niệm nào vui về tết thì cùng chia sẻ nha
Ti_cuoi2010
16/1/2013
Đăng nhận xét