Nhật ký Kon Tum - Ngày 1


Đúng 17h30 ngày 30 tháng 6, đoàn chúng em tập trung gồm 9 người: Vũ, Hải, Đức, Quốc, Quỳnh, Nhi, Hạnh, Thắm và Trang. Loay hoay mãi mới tìm được đúng chiếc xe đã đặt vé trong một buổi chiều trời mưa bay. Bước lên xe trong tâm trạng háo hức, vui mừng nhưng rồi đi mãi vẫn không thấy ghế, hóa ra nó nằm ngay dãy cuối cùng, lại còn là tầng dưới. Có hơi chật nhưng anh em được ở gần nhau nên mọi khó khăn coi như không còn, bỗng…Nhi phán ngay một câu hết sức tự nhiên “He he! Lần đầu được đi xe giường nằm” và tất nhiên tiếp sau đó là những tràng cười vui vẻ cùng những câu chém gió của các anh chị em khác.

Bánh xe vẫn lăn đều, mọi người cũng đã ổn định hết, có một số người đã dần vào giấc ngủ. Tới khoảng 20h30, xe dừng lại tại một quán cơm cho mọi người ăn tối, trước đó đoàn đã đặt vé cơm nên tất nhiên là xuống ăn thôi. Bữa cơm diễn ra trong những tiếng nói cười cùng những câu đùa nhau chém gió. Ai cũng biết là không có nhiều thời gian cho những bữa cơm như thế này, nhưng mọi người vẫn không quên tráng miệng món bánh tráng trộn của Ánh Nhi, lại là cái bà này gây nên chuyện để nói. Biết sao, ăn cơm uống nước xong thì thời gian đã không còn nhiều, bấy giờ cô ta mang bánh ra, khổ nỗi là không ai có thể kiềm chế được trước cái món hấp dẫn này, thế là mọi người rủ nhau trộn bánh ăn mặc dù biết sẽ lỡ chuyến đò. Quả không sai, vừa đổ xong bịch tương vào thì nhà xe thông báo lên đường, thế là cả mấy người nhìn nhau phá lên cười ầm cả quán cơm rồi hối nhau ăn vội vài miếng và đành ngậm ngùi cất vào rồi lên xe hứa hẹn có một lúc nào đó sẽ xử hết bịch bánh này. Đến thời điểm này, mọi người vẫn bình an, khỏe mạnh, niềm vui vẫn ngập tràn. Trong màn đêm huyền ảo của những cột bóng vệ đường cùng với tiếng ầm ì của chiếc xe, mọi người dần dần vào giấc ngủ, bánh xe vẫn quay đều.

Sáng hôm sau, mở mắt ra thì xe đã dừng, kéo nhau xuống vệ sinh cá nhân rồi lại lên tiếp tục cuộc hành trình, một lát sau thì xe tới công ty của họ, bốc dỡ hàng hóa cũng như cho một số người xuống trạm. Y như là nhịn đói từ lâu, chỉ tranh thủ có mấy phút chuyển hàng thôi mọi người cũng biết rủ nhau ăn tiếp phần bánh tráng trộn còn dở hôm qua. Sự đời trớ trêu, chưa được mấy miếng thì lại phải cất vào để tiếp tục lên xe khi bị hối, bực thật chứ có mấy miếng bánh thôi mà ăn mãi không xong nữa, tuy nhiên cũng vì thế mà mọi người lại được nhìn nhau cười cũng như giờ có chuyện để nói. Xe chạy, không lâu sau thì tới bến xe cuối, chuyển đồ đạc xuống xong, trong lúc đang chờ người tới đón, mọi người cũng biết rằng sẽ không có việc gì khác để làm ngoài việc đưa bánh tráng ra ăn rồi. Thật hạnh phúc và may mắn, lần này ăn được hết cái bịch bánh tưởng chừng nhỏ bé kia nhưng lại rất là nhiều, coi như là xong một nhiệm vụ cao cả vậy. Tại đây còn được gặp một đoàn người khác cùng chung chí hướng xuất thân từ Lưu xá Dòng Đức Bà nhưng đoàn này được đi trước khi chưa nói chuyện được vài câu. Một lát sau có người tới đón, thế là cả đoàn lên xe cùng nhau tiến về nhà cha.

Tới nơi, được gặp lại cái đoàn lúc nãy, cha đi đâu chưa về nên cả hội kéo nhau ra chơi bóng chuyền, lúc cha về cũng chính là giờ ăn sáng, mỗi người quất ngay một tô bún giò heo, ăn xong còn có cả trái cây tráng miệng. Xong rồi sắp xếp chỗ ở, nam ở bên nhà cha còn nữ ở bên nhà Sơ, một lát lại kéo nhau đi chơi tham khảo địa hình, về tới nơi lại là giờ cơm trưa, coi như là xong một buổi sáng. Chiều ngủ dậy, tập trung ra nhà thờ đọc kinh lần chuỗi lòng thương xót Chúa lúc 15h, xong rồi cha giới thiệu ra mắt đội hình, cả hai nhóm cũng chào đáp lại bằng hai bài cử điệu chung,do không có chuẩn bị trước nên đội hình cũng hơi bị rối. Sau đó thì các em ở lại học giáo lý chuẩn bị cho việc chịu bí tích xưng tội và thêm sức, nói rõ hơn là một lớp học xưng tội và một lớp học thêm sức, nhóm Dòng Đức Bà thì về nấu cơm tối còn nhóm Thiên Ân thì ở lại giúp sinh hoạt và nhảy múa trong giờ giải lao. Xong rồi tham dự thánh lễ chiều và về ăn tối. Bật mí một bí mật cho cả nhà biết là trong giờ cơm tối này em và Đức đã bị cha gõ đầu và lại là em cùng với anh Vũ bị phạt rửa bát cùng với một số người khác khi thua trong một trò chơi. Xong xuôi mọi việc, mọi người quây quần lại họp bàn giao công việc với các anh chị em giáo lý viên rồi ai về nhà nấy tắm rửa và đi ngủ.

Đấy, ngày đầu tiên đi Kontum của bọn em là thế đấy.
Còn một chuyện khác nữa em muốn nói ở đây nhưng với tư cách là một lời chia sẻ. Trước khi đi, hình ảnh cha Vũ trong em chỉ là một ông cha với cây roi, những bức tượng và một vài câu nói quen thuộc khác đã được phổ biến trong nhà ta. Nhưng sau chỉ có một ngày, nó đã khác đi hoàn toàn. Bây giờ trong suy nghĩ và trước mặt em, Cha Vũ là một người cha tuyệt vời với nụ cười luôn ở trên môi, một người cha vui tính và rất là thoải mái. Sự quan tâm của cha dành cho nhóm và đặc biệt là các em thiếu nhi thì quả là hiếm thấy, quan tâm từ đủ mọi vấn đề. Rồi cách nói chuyện của cha với các em thật sự là đã hớp hồn em, phong cách giảng lễ cũng như các nghi thức trong thánh lễ đã được cha thuần hóa để có thể gần với các em, gây cuốn hút và đảm bảo là không thể ngủ gật được khi đi lễ. rồi còn nhiều còn nhiều cái khác nữa nhưng thiết nghĩ không thể diển tả cho đầy đủ được, chỉ có thể chờ cho tới năm sau để mọi người đi và tự mình cảm nhận lấy. Bình thường cầu nguyện cho các Linh mục, tu sĩ em hay cầu cho các Ngài tìm thấy niềm vui để mãi hăng say trong công tác mục vụ nhưng đối với cha Vũ thì em nghĩ là cha đã tìm thấy niềm vui thật sự trong sứ mạng của cha, trong một hoàn cảnh đầy khó khăn của một vùng dân tộc như này nhưng cha vẫn luôn mãi vui tươi, và được biết trước đó còn bị chính quyền gây khó dễ và cấm làm lễ nữa, vậy mà giờ đây mọi chuyện đã tốt đẹp trở lại, bao cố gắng của cha đã được đền trả bằng những nụ cười duyên mang đầy hạnh phúc của cha cũng như bao em thơ trong giáo xứ Đak Jâk này.

Điều cuối cùng em muốn nói rằng mục đích của em trong chuyến đi này đã phần nào thay đổi khi em được tiếp xúc với cha và các em nhỏ, em cũng muốn nhắn với mọi người là hãy cầu nguyện cho cha Vũ được khỏe mạnh và bình an để ai chưa đi lần nào thì năm sau còn có thể đi để đón nhận hồng ân tuyệt diệu của Chúa như em đã cảm nhận nhé.
Hoàng Quốc
-01/07/2015-

Đăng nhận xét

[facebook][blogger]

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.