Sau Một Chuyến Đi

Ngày 21 tháng 5 năm 2016

Đoàn chúng tôi gần 50 người đã có một ngày Công Tác Xã Hội đáng nhớ tại Bình Thuận với hai địa điểm là Khu Bảo Trợ Xã Hội Tân Hà và làng dân tộc mang tên Suối Máu. Tôi gọi là đáng nhớ bởi nó có quá nhiều cảm xúc, quá nhiều điều tuyệt vời mà tôi muốn chia sẻ. Chúng tôi - Gia đình Sinh Viên Công Giáo Thiên Ân sinh hoạt tại Sài Gòn đã từng đi công tác xã hội ở nhiều nơi và với nhiều cách thức khác nhau, nhưng đây là lần đầu tiên tôi có được những cảm giác, cảm xúc mới lạ.

Xe chúng tôi đến nơi trong khi ngoài trời vẫn còn mưa lâm thâm và mọi người vẫn đang còn ngái ngủ, cất hành lý và nghỉ ngơi một lát, ăn sáng rồi chúng tôi bắt đầu công việc. Sáng hôm đó, chúng tôi mang gần 200 phần quà tới Trung tâm bảo trợ xã hội Tân Hà với gồm những gạo, sữa và một số trứng gà cùng xúc xích của một vị ân nhân gửi tặng. Dừng lại một chút, tôi muốn nói thêm rằng số tiền mua gạo và sữa là do từng người chúng tôi đóng góp từ chương trình nuôi heo đất của nhóm. Mỗi ngày chúng tôi bỏ ra 2 ngàn tích góp trong 7 tháng và kết quả bất ngờ khi chúng tôi thu lại trong cái ngày mổ heo là hơn 25 triệu đồng. Không phải chỉ đến tặng quà rồi đi, đoàn chúng tôi còn chia nhau ra giúp Trung tâm một vài công việc mà sức chúng tôi có thể làm được. Một số người dắt nhau xuống bếp phụ việc nấu cơm, nhặt rau hay lau chùi đồ đạc. Nhóm khác chia nhau ra mỗi người mỗi góc quét dọn vệ sinh cho Trung tâm thêm phần sạch đẹp. Số khác lại tới khu vực dành riêng cho những bệnh nhân tâm thần trò chuyện, hỏi han và hát hò cùng họ.

Sau khi xong việc, mọi người cùng quây quần về một góc dưới tán cây, ở đó những chiếc ghế đã được sắp sẵn thành một vòng tròn lớn để theo như chương trình của chúng tôi đã thông báo trước là sẽ giao lưu văn nghệ với mọi người ở trung tâm này. Không khí lúc này thật ấm áp, vui tươi. Mở đầu với một vài bài dân vũ mà chúng tôi vẫn thường nhảy với nhau khi sinh hoạt, nhưng hôm nay có phần khác hơn, rất nhiều người trong đoàn chúng tôi đã cùng tham gia ra múa mẫu mặc dù họ không thuộc động tác hay thậm chí họ chưa làm thế bao giờ. Vậy mà đến đây, cho đi và nhận lại, họ như được lột xác, trẻ hóa ra, sự rụt rè của mọi ngày đã không còn, họ cùng nắm tay nhau nhảy múa với sự rạng rỡ tươi cười trên khuôn mặt. Về phía các bệnh nhân, khi đoàn chúng tôi vừa lắc lư theo tiếng nhạc thì khoảng cách giữa họ với chúng tôi cũng vừa được xé tan hoàn toàn, họ cùng ra nhảy múa với chúng tôi, điệu được điệu không nhưng họ đã không còn tự ti hay suy nghĩ gì như trước đó nữa, họ hòa mình theo tiếng nhạc, cố gắng quan sát chúng tôi để làm theo hoặc đơn giản họ chỉ đứng vỗ tay khi không theo kịp vài động tác. Bất ngờ hơn sau đó, chính những người bệnh nhân nơi đây đã thay nhau ra đàn hát dành tặng chúng tôi. Có những người họ hát rất hay, cũng có những người hát không được tròn lời rõ chữ, nhưng đứng nhìn họ hát sao tôi thấy hạnh phúc vô cùng. Tôi cố gắng quan sát từng người, kể cả những người đang hát và những người đang xem, tôi hạnh phúc bởi cảm xúc đã quá tràn đầy. Là một người góp phần trong việc lên chương trình cũng như chạy chương trình đó và rồi nhận được kết quả vượt ngoài dự kiến, niềm vui không thể tả hết. Vui không chỉ niềm vui cá nhân vì chương trình thành công mà còn vui bởi tôi đã bắt sóng được niềm vui của những người nơi đây lan tỏa. Đặc biệt, tôi còn bắt gặp những khoảnh khắc quý giá khi một số bệnh nhân đưa tay lau nước mắt, tôi biết họ hạnh phúc, xúc động. Và...tôi cũng xúc động.

Dứt chương trình văn nghệ, chúng tôi lại mỗi người mỗi việc hết sức nhanh nhẹn mang sữa, trứng và xúc xích ra bóc cắt cẩn thận rồi đem phát cho từng người, tranh thủ trò chuyện thêm vài câu khi thời gian đã sắp đỉnh điểm. Trước khi lên xe về, tôi cũng kịp gom góp vài chia sẻ tâm sự của một số thành viên qua chương trình vừa rồi, họ được nghe từ phía những bệnh nhân và những nhân viên trong trung tâm này. Và tôi biết, họ khá ấn tượng với đoàn chúng tôi, cũng như lời cô Hằng - Phó giám đốc trung tâm - họ đều mong đoàn chúng tôi quay lại.

Kết thúc một buổi sáng với nhiều cảm xúc, chiều hôm đó, đoàn chúng tôi ghé qua làng dân tộc Suối Máu. Cái tên Suối Máu nghe hơi kinh dị này nhưng lại gắn liền với cả một câu chuyện mang tính lịch sử khá là hài hước. Chuyện kể rằng ngày xưa ở khu vực này có một số đông người dân tộc sinh sống, họ sống bằng nghề săn bắt và hái lượm. Hằng ngày, họ phải đi qua một con suối với hai bên rậm rạp những hàng cây. Loại cây này đã được người ta dùng vỏ để bện lại thành những chiếc võng chắc chắn và cây được gọi tên với 2 đến 3 chữ gì đó tôi không rõ nhưng chữ cuối cùng được phát âm gần giống chữ Mâu. Dần dần về sau, khi người Kinh tiếp xúc và do nghe không chuẩn rồi đọc lệch ra thành chữ Máu, từ đó cái tên Suối Máu hình thành. Quay trở lại cuộc hành trình, chúng tôi cho xe chạy tới nhà văn hóa của làng, mang theo 25 phần quà gồm gạo và một số gia vị như đường, dầu ăn, nước mắm cho 20 gia đình có hoàn cảnh khó khăn và 5 gia đình có người mắc bệnh phong mất đi nguồn lao động. Cộng với đó là 200 phần quà gồm vở và bút cùng một số bánh kẹo để tổ chức hội chợ cho các em học sinh nơi đây. Số tiền mua quà cũng được trích từ khoản tiền nuôi heo của nhóm, số thiếu còn lại chúng tôi đã đi xin một số ân nhân khác. Như thế, chuyến đi của chúng tôi không chỉ có vật chất mà nó còn chất chứa “một chút men yêu thương và một chút muối của lòng nhiệt thành” đúng như tôn chỉ hoạt động đề ra của nhóm. Bốn gian trò chơi được dựng lên nhanh chóng, các em cũng được chia ra làm bốn đội, mỗi đội chơi ở một gian sau đó xoay vòng để vừa đảm bảo tính trật tự vừa đảm bảo em nào cũng được chơi tất cả các trò. Tôi khá ấn tượng với buổi chiều hôm đó, nhìn các em thích thú khi chơi những trò chơi dân gian đã được đơn giản hóa và vui vẻ nhận quà trong niềm vui chiến thắng. Các em ai cũng háo hức mong chờ tới lượt mình chơi và hạnh phúc khi bịch quà trên tay càng lâu càng nặng. Riêng các anh chị trong đoàn chúng tôi, họ cũng vui và hạnh phúc không kém. Những ánh mắt vui tươi và nụ cười tỏa nắng khi nhìn thấy các em chinh phục trò chơi, những lần trao quà cố gắng sao cho bốc được nhiều quà hơn một chút để trao cho các em. Và đặc biệt, những hình ảnh gian lận trong trò chơi không thể dễ thương hơn của các anh chị dành cho các em đã bị tôi bắt gặp. Như trò ném bóng bàn vào chậu hay ném vòng cổ chai, một số em khó có khả năng chiến thắng, anh chị đã cầm lấy tay em cho tiến thêm vài bước tới đứng trước chậu hay miệng chai, giơ tay thả cái “bụp” và thế là từng tràng vỗ tay vang lên rồi em được tiến tới nhận quà. Hay là trò đá banh vào cầu môn, anh chị không ngại ngần bất chấp bế ngay em lên tay hất nhẹ một cái, quả banh lăn thẳng vào cầu môn và bịch quà nằm gọn trong túi bóng các em. Nhìn thấy những hình ảnh như thế, bất chợt tôi nở những nụ cười, những nụ cười vui và hạnh phúc. Và tất nhiên tôi đâu có thay đổi điều đó làm gì. Khi tất cả các em đều đã chơi xong, chúng tôi cho quy tụ các em thành một vòng tròn nhảy múa giao lưu, nhiều em đã mạnh dạn đại diện hát múa để cảm ơn chúng tôi, cái giây phút ấy sao mà nó tuyệt vời đến thế.

Những tiếng sấm nhẹ đang dự báo cho một cơn mưa, chúng tôi lại mau mắn mỗi người một góc phát vở và bút cho các em trước khi những hạt mưa rơi xuống. Khi dọn dẹp xong chuẩn bị ra về, bất ngờ từ trong nhà văn hóa bác trưởng làng chạy ra bắt tay và cảm ơn trưởng nhóm, tôi thấy hạnh phúc và ấm lòng lạ lùng. Một lần nữa, chúng tôi lại nhận được những tình cảm chân thành từ phía bố mẹ các em cũng như những người đại diện trong làng cùng với những phản hồi tích cực. Chúng tôi ra về trong sự vội vàng chạy đua với thời tiết, trời bắt đầu có những cơn gió lạnh lướt qua nhưng tôi biết từng thành viên trong đoàn chúng tôi họ đều đang rất ấm, ấm từ trong cõi lòng ấm ra. Lúc này tôi càng thấm câu nói của Thánh Luca trong sách Công Vụ Tông Đồ “Cho thì có phúc hơn là nhận”.

Một ngày trôi qua trong niềm hạnh phúc, vui vẻ và chan chứa tình yêu. Tuy có hơi thấm mệt nhưng nó chẳng là gì khi nhớ lại những nụ cười hay những giọt nước mắt của các bệnh nhân trong trung tâm bảo trợ Tân Hà mà tôi cho rằng những nụ cười hay những giọt nước mắt đó họ ít có cơ hội tô lên cho bức tranh cuộc đời của mình. Sự mệt mỏi cũng biến tan khi hồi tưởng lại những khuôn mặt hồn nhiên trong sáng và đơn sơ của các em nhỏ làng Suối Máu. Hay khi nhớ lại những lời cảm ơn, khen ngợi từ những người chúng tôi gặp trên đường, biểu hiện của họ cho tôi biết việc làm của chúng tôi hữu ích và ý nghĩa, đẹp lòng Chúa và vui lòng người. Tối hôm đó tham dự thánh lễ, tôi hạnh phúc dâng lên cho Chúa một ngày qua và âm thầm suy niệm hồng ân tuyệt vời mà Ngài đã ban cho tôi, hồng ân tôi được đến với gia đình Thiên Ân. Tưởng tượng nếu như không biết đến Thiên Ân chắc là những tháng ngày sinh viên của tôi thật vô vị và tẻ nhạt, làm sao tôi có thể có được những cảm xúc như ngày hôm nay, tôi sẽ rất trân trọng điều đó. Và câu hỏi “Tại sao quê ở Hà Tĩnh mà lại vào học ở Sài Gòn gì cho xa xôi” đối với tôi từ nay sẽ không còn những câu trả lời đại khái qua chuyện nữa mà thay vào đó sẽ là một câu trả lời đầy tự tin khác. Duyên! Tôi đã dính duyên với Thiên Ân từ thuở bao giờ rồi.
Hoàng Quốc
-24/5/2106-

Đăng nhận xét

[facebook][blogger]

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.