TRUNG THU TRÊN VÙNG CAO
Đoàn chúng tôi mười một người sinh viên có, đi làm rồi cũng có mang theo bong bóng, bánh trung thu và lồng đèn khởi hành từ đêm thứ sáu để sáng thứ bảy kịp phát quà ở địa điểm đầu tiên là xã Suối Thông huyện Đức Trọng. Ở đây bọn tôi đã cùng các sơ Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ phát mấy trăm phần quà cho trẻ em dân tộc. Theo thông báo thì 9h00 mới bắt đầu phát quà nhưng 7h00 thì các em nhỏ đã đến đứng chật khoảng sân nhỏ của nhà dòng, em nào mặt mũi cũng lem luốc, tóc tai thì cáu bẩn nhưng lại rất háo hức chờ đợi nhận được những chiếc bánh, những lồng đèn mà có lẽ lần đầu trong đời chúng được thấy. Ấn tượng đầu tiên của Cuội về trẻ em đân tộc ở đây là chúng rất hiền lành và thật thà, răm rắp nghe theo sự xắp xếp của chúng mình, không hề có cảnh chen lấn xô đẩy, giành dựt như những khi tôi phát quà trung thu cho thiếu nhi ở giáo xứ mình. Sơ ở đấy nói với tôi là nếu em nào nhận được quà rồi thì nó sẽ không lấy nữa cho dù mình bắt nó cũng không lấy, tôi đã thử và đúng thật. Lồng đèn, bong bóng xanh xanh đỏ đỏ dường như làm sáng lên gương mặt đậm “màu đất” của những em bé đáng thương.
Ngày đầu làm việc qua đi với nhiều niềm vui và ấn tượng nhưng đến ngày hôm sau thì những gì tôi trải qua không phải là ấn tượng nữa mà là kinh ngạc và thán phục. Ngày thứ hai đoàn đến giáo xứ Đà Loan thuộc huyện Đức Trọng và được cha xứ dẫn vào một làng dân tộc chu-ru ở rất sâu trong vùng đồi núi. Các bạn biết không, bà con dân tộc ở làng này phải vượt hơn mười cây số đường đất lầy lội để đến được nhà thờ đi lễ Chúa Nhật hàng tuần, và đa phần họ phải đi bộ từ 3h sáng, phải, 3h sáng vì không có xe máy để đi. Nghe có vẻ như bịa chuyện nhưng là sự thật vì tôi và cả đoàn đã chiến đấu với con đường này trên hai chiếc “xe máy xới” mà chúng tôi gọi vui là “mẹc xi đéc mui trần” để vào thăm làng. Tôi cũng là dân làm nông, cũng đã quen với những con đường lầy lội mà cũng chưa bao giờ thấy con đường lầy nào mà dài và kinh khủng đến thế. Cứ ngồi trên xe một lúc thì cả bọn lại phải nhảy xuống xe “cong đít” lên đẩy xe vì mắc lầy, xình ngập cao gần đầu gối thậm chí bắn lên cả mặt nhưng đúa nào đứa nấy cũng hăng hái đẩy, ngay cả những cô gái dân thành phố cũng sẵn sàng nhảy xuống xình cùng bọn con trai hì hục đẩy đẩy xe. Vào được đến làng là cả một kì công lớn, một ngôi làng nhỏ giữa rừng núi, vài mái nhà lụp xụp và khoảng gần trăm con người sống gần như tách biệt với bên ngoài. Cuộc thăm hỏi, phát quà diễn ra chóng vánh vì chúng tôi phải ra ngay nếu không trời mưa thì không thể qua được con đường xình lầy, bà con ở đó đón tiếp chúng tôi rất nồng nhiệt thật tiếc là chúng tôi không thể mang nhiều quà hơn để cho trẻ em.
Tuy chúng tôi chỉ đến thăm làng khoảng hai tiếng nhưng giây phút chia tay cũng thật bịn rịn, hình ảnh khiến tôi xúc động nhất lúc chia tay là hình ảnh một người phụ nữ dân tộc cao, gầy, rơm rớm nước mắt nắm lấy tay chúng tôi và nói với chúng tôi rằng: “Tụi con ở gần Chúa hơn cô thì cầu nguyện cho làng cô với, làng cô khổ lắm”… Tôi như nghẹn lại khi nghe cô nói, nước mắt như muốn trào ra vì thương người dân ở đây và vì xấu hổ với chính bản than mình. “Chúng con ở gần Chúa hơn cô…”, không, tôi chỉ gần nhà thờ chứ không gần Chúa, chính những con người vượt cả chục cây số đường lầy lội đi lễ từ 3h sáng vì lòng yêu mến Chúa mới gần Chúa, chính những người đồng thanh đọc kinh thánh hóa bữa ăn với tất cả sự sốt sắng, biết ơn chứ không phải đọc cho nhanh để ăn mới gần Chúa, chính những con người khóc không phải vì được nhận những món quà mà vì được người kinh vào thăm làng mới gần Chúa, và chính chúng tôi mới cần ngững con người “xa Chúa” này cầu nguyện cho đức tin của mình.
Tôi đã hy sinh dịp trung thu bên người thân để đến với họ nhưng những gì tôi nhận được từ những con người chân chất này còn lớn hơn những hy sinh của tôi gấp trăm lần, đây là cái tết trung thu hạnh phúc nhất mà tôi từng trải qua. Tôi sẽ cầu nghuyện nhiều hơn cho ngôi làng này và sẽ cố gắng sống “xa mà gần” Chúa như họ. Tạm biệt những người bạn nghèo vật chất nhưng giàu đức tin, hẹn một ngày không xa tôi sẽ lại được đến thăm các bạn!
Và đây là một vài hình ảnh ngày làm việc thứ nhất của đoàn.
Ti_Cuoi2010
2/10/2012
Đăng nhận xét