Vài Giây Cảm Xúc Chạy Long Nhong


Sau "Vài phút thả rông cảm xúc" của bé Hiền thì nay đến lượt mình cũng có vài giây để cảm xúc chạy long nhong

Chả là hôm qua DAD gọi điện báo nhà cấy lúa xong rồi, năm nay mạ chết nhiều vì lạnh nên không biết được mùa hay không... Tự dưng nhớ đến Bố và nhớ đến một lần ra đồng với bố mùa trước. Và sau khi vào lại sì gòn thì tự truyện "Ra đồng" được ra lò ^^ (bài này đã được in trong nội san số ra bao nhiêu quên mất rùi, nay tranh thủ lúc cảm xúc chạy long nhong post lên web nhóm)

Một sáng mùa đông, trời lạnh cóng và có mưa phùn. Tôi chẳng muốn chui ra khỏi cái ổ thật ấm mà mình đang nằm. Tôi thò mặt ra ngoài, thứ ánh sáng yếu ớt của buổi sáng mùa đông không đủ để làm mắt tôi nheo lại. Tôi thấy bố đang loay hoay chuẩn bị nhiều đồ đạc: nào là gậy, nào là áo mưa, rồi hình như có cả cái gầu để tát nước, chắc là vậy! Tôi lại thụt đầu vào và cuộn tròn trong cái ổ của mình.

Nằm được vài phút, không hiểu vì sao tôi lại không ngủ được nữa. Lấy hết “can đảm” để vùng dậy, tôi hỏi mẹ:

- Bố đi đâu vậy mẹ ơi?

- Bố đi ra đồng, san ruộng để mai nhà mình cấy, Mẹ tôi trả lời.

Tôi tiếp nhận thông tin mà mẹ cung cấp với thái độ rất bình thường, vì từ trước tới giờ, tôi không có khái niệm “ra đồng” – mặc dù tôi là con nhà nông chính gốc! Do vậy, việc bố ra đồng vào buổi sáng buốt giá ấy đối với tôi cũng là công việc bình thường của một “lão nông tri điền”.

Tôi ngồi ăn sáng – đồ ăn mà mẹ đã chuẩn bị sẵn cho mỗi khi thức dậy. Cái gió lạnh lọt qua từ những khe cửa làm người tôi run lên bần bật. Đám mạ trước sân không ra đủ lá và có những chòm bị chết vì buốt giá và sương muối. Tôi lại run lên vì cái gió lùa qua khe của hẹp. Tôi nghĩ đến bố đang ở ngoài đồng…

Miên man với những suy nghĩ, đấu tranh với những giằng co, cuối cùng tôi đã có một quyết định: ra đồng. Tôi thay đồ và nói với mẹ: “Con ra đồng san ruộng phụ bố mẹ nhé!” Mẹ tôi không trả lời nhưng tôi biết, đó là điều mà mẹ tôi mong đợi, và tôi nhận được câu trả lời ở nét mặt thể hiện sự hài lòng của mẹ. Mẹ đưa cho tôi một ít bánh ngọt và vài lon nước để mang ra đồng cho bố.

Tôi ra đồng! Những người hàng xóm đi ngang qua đều hỏi tôi đi đâu và lấy làm lạ với sự xuất hiện sớm sủa của tôi vào sáng mùa đông lạnh giá. Ai nấy đều ngạc nhiên với câu trả lời “ra đồng” của tôi, vì trông tôi giống đi… ăn cưới hơn. Tôi vẫn mặc quần tây, áo sơ mi, khoác thêm một cái áo lạnh và đi đôi giày lịch sự. Trong khi đó những người cùng đường “ra đồng” với tôi thì quần áo lấm láp, đi chân không, tay cầm đủ thứ đồ nghề và ai cũng khoác lên người chiếc áo mưa để che chắn gió lạnh. Tôi rảo bước nhanh, vừa đi vừa nghĩ tới bố.

Ra đến cánh đồng, từ xa xa tôi đã thấy bố. Nếu không nhận ra bố thì tôi chả biết ruộng nhà mình nằm ở chỗ nào! Tôi tháo giày cầm trên tay, săn tay áo và ống quần lên, trong đầu nghĩ thế nào cũng bị bố… đuổi về. Tôi vừa bước tới thì bố lên tiếng:

- Ra đây làm gì cho lạnh lẽo. Ở nhà mà giúp mẹ làm bữa đi.

- Con ra phụ bố san ruộng, Tôi vui vẻ đáp lại lời bố. Mẹ có gửi bánh và nước cho bố, bố nghỉ tay ăn lót dạ rồi làm tiếp.

Tôi toan bước xuống ruộng thì một lần nữa, bố cản lại và nhất định không cho tôi xuống. Đúng là nước thì rất lạnh, cộng với sự can ngăn có thể nói là… nhiệt tình của bố, “chí anh hùng” làm anh nông dân của tôi bị “tụt” xuống kinh khủng. Nhưng cuối cùng, tôi vẫn bước chân xuống và bố cũng đành phải “cầm tay chỉ việc” cho tôi.

Hai bố con kết hợp rất nhuần nhuyễn làm cho khối lượng công việc giảm đi đáng kể. Lúc đầu tôi nghĩ: móc đất chắc vất vả hơn kéo nên tôi sẽ chọn công việc vất vả còn để bố kéo. Tuy nhiên chỉ được một thời gian ngắn, 10 đầu ngón tay của tôi tê cứng, mỏi và buốt, cảm giác như không thể cầm được thứ gì trên tay. Thì ra móc đất cũng mệt lắm. Tôi lại quyết định đổi ca cho bố. Lúc này tôi kéo những bao đất từ chỗ cao ra chỗ trũng để đổ. Với sức trẻ, tôi bước đi băng băng trên ruộng đất lầy lội. Mấy bác nông dân làm cạnh tỏ vẻ tấm tắc khen tôi thạo việc. Tôi cũng mừng nhưng đôi chân của tôi thì đang rã rời, chả muốn bước đi nữa. Việc nào cũng mệt! Lúc này, khi tôi tiếp tục bước với những bước chân uể oải thì trong tâm trí tôi đang miên man với những suy nghĩ, những cảm xúc mà từ lúc nào tôi không biết, mắt tôi cay cay.

Đã mấy ngày nay với công việc như này, một mình bố luôn vất vả cực nhọc. Đã mấy ngày nay, mỗi bữa cơm bố ăn ít dần, bố đi ngủ sớm và tối bố ngủ rất mệt. Lẽ ra, ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” bố phải được nghỉ ngơi còn những công việc nặng nhọc như vầy phải là của tôi. Vậy mà, bố vẫn miệt mài, miệt mài! Còn tôi, tôi đã vô tâm đến vậy! Tôi cứ nghĩ vẩn vơ với những bước chân lạc nhịp vì mệt và mỏi, còn bố thì đang phấn khởi với câu chuyện dang dở cùng bác nông dân bên cạnh. Bố đang khoe tôi với mọi người. Bố tự hào khi kể về tôi. Tôi thấy thương và yêu bố gấp ngàn lần. Tôi cố gắng học tập, thành đạt để thoát khỏi cảnh “chân lấm tay bùn” nhưng chưa bao giờ ý muốn trở thành nông dân trong tôi lại mạnh mẽ đến vậy, đơn giản chỉ để tôi làm hết tất cả những công việc nặng nhọc này cho bố.

- Kéo hết bao này rồi về ăn cơm, chiều nghỉ ngơi đi lễ.

Bố tôi ngắt ngang câu chuyện với bác nông dân và nhắc tôi nghỉ tay, làm suy nghĩ miên man của tôi ngưng lại. Tôi vẫn muốn làm nữa và còn bước đi lăng xăng trên đồng, kéo thêm mấy gầu nước cho thửa ruộng nhà mình. Quần áo tôi lấm lem đầy bùn đất. Bố đã thu dọn xong đồ đạc để về.

1/2 của 1/2 ngày làm nông dân của tôi đã kết thúc. Lần đầu tiên tôi ra đồng, lần đầu tiên tôi muốn làm nông dân, và đây là lần tôi có cảm nhận thật đặc biệt về bố. Bố đã vất vả cả đời nông dân cơ cực để cho con của bố khỏi làm một người nông dân “bán mặt cho đất bán lưng cho trời”. “Ra đồng” sẽ là hành trang cho tôi trong những tháng ngày xa bố mẹ, xa gia đình.

Bố ơi, cánh đồng cuộc đời dù không có bùn đất lấm lem nhưng có nhiều thứ còn lấm lem hơn bùn, con sẽ phải làm gì để khỏi dính phải những thứ bùn đen dơ dớp ấy? Bố đã cho con bài học để con khỏi vấp ngã. Cho dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả, thiếu thốn, con sẽ biết dùng chính sức mạnh và nghị lực của mình để con đứng vững. Con sẽ không để cho sự lười biếng, thói đua đòi, lối sống ưa hưởng thụ và ích kỷ quật ngã con trong cánh đồng đời này.

Bố ơi, giờ con đang ở thật xa bố, xa gia đình, con muốn được ra đồng với bố! Giờ này chắc lúa nhà mình cũng tốt rồi bố nhỉ? Ở nơi xa xôi này, con luôn nhớ tới bố, và con chỉ biết chắp tay, ngước mắt lên trời và nguyện ước:

“Ước gì cho gió đừng lay
Để cha mẹ mãi tháng ngày với con”

Con trai út của Bố
PhamSy
05/3/2012

Đăng nhận xét

[facebook][blogger]

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.